Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đánh giá xuất khẩu tôm vừa qua đã có một số dấu hiệu cải thiện. Tháng vừa qua,ấtkhẩutômsangMỹtăngmạmàu hạt dẻ dù chưa thoát khỏi tăng trưởng âm (đạt 322 triệu USD, giảm 8%), mức giảm đã thu hẹp dần qua mỗi tháng. Lũy kế 9 tháng, xuất khẩu tôm của Việt Nam đạt 2,5 tỷ USD, giảm 26% so với cùng kỳ 2022.
VASEP cho biết, nhiều thị trường như Mỹ, Australia, Canada, Bỉ, Đài Loan đã có tín hiệu tích cực nhờ mức tăng trưởng dương 1-54%. Trong đó, đáng chú ý là thị trường Mỹ.
Xuất khẩu tôm sang thị trường này tiếp tục xu hướng tăng trưởng dương trong tháng 9, và là tháng thứ 3 liên tiếp tăng. Mức tăng trưởng 23% trong tháng 9 cũng là mức cao nhất so với hai tháng trước đó. Tuy nhiên, nếu tính chung 9 tháng, tổng giá trị xuất khẩu sang Mỹ đạt 520 triệu USD, giảm 23%.
Số liệu cũng cho thấy, nhập khẩu tôm vào Mỹ thời gian qua có xu hướng tăng. Một trong những nguyên nhân được chỉ ra là chi tiêu tiêu dùng của nước này đang ổn định hơn. Các dự báo về tăng trưởng kinh tế Mỹ cũng khá khả quan khi IMF nâng mức tăng trưởng của họ thêm 0,3 điểm phần trăm năm nay và 0,5% cho năm sau.
Tại các thị trường lớn còn lại như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, VASEP cho biết, mức tăng trưởng xuất khẩu tôm vẫn âm 10-26%, tuy nhiên, mức giảm đã thấp hơn so với những tháng trước đó.
Riêng thị trường Trung Quốc đại lục và Hong Kong, sau khi tăng trưởng dương trong 3 tháng 6-8, xuất khẩu tôm lại tiếp tục xu hướng giảm. Nguyên nhân là nước này đang có lượng hàng tồn kho cao do nhập nhiều tôm từ Ecuador. Theo VASEP, quý cuối năm, khả năng nhu cầu tiêu thụ tôm của Trung Quốc chưa thể phục hồi.
Dù vậy, với những tín hiệu tích cực từ các thị trường vốn có nhu cầu tôm chế biến sâu tăng vào dịp lễ cuối năm như Mỹ, Canada, Australia, VASEP nhìn nhận ngành xuất khẩu tôm tới đây sẽ ghi nhận kết quả tích cực hơn nửa đầu 2023.
Đức Minh